Điểm yếu của bạn là gì? Cách ứng phó thông minh

“Điểm yếu của bạn là gì” là một trong những câu hỏi đắt giá mà các nhà tuyển dụng hay đặt ra cho ứng viên. Đây là một trong những cơ sở mang đến kết quả cuối cùng. Một câu hỏi gây hoang mang cho bất kỳ người nào khi tìm việc bởi họ ngần ngại khi tự nhận xét khuyết điểm của chính mình. Nhưng sự thật lại rất đơn giản nếu chúng ta khéo léo thì sẽ dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng.                                                                       

Điểm yếu không liên quan đến công việc

Chẳng ai dám tự tin vạch trần những điểm yếu thật sự của mình. Thế nhưng, sự trốn tránh này có thể khiến chúng ta trở thành một người nhút nhát và che giấu những thứ tiêu cực. Như thế, điểm yếu của bạn sẽ biến thành khuyết điểm lớn trong mắt người khác mà đáng lẽ ra có thể trở thành ưu điểm.

Hãy khôn khéo nêu những điểu yếu của mình bằng cách tránh né liên quan đến công việc. Ví dụ khi chúng ta phỏng vấn ở một công ty tổ chức sự kiện bạn nên thể hiện mình là người hoạt bát, nhanh nhẹn. Khi nêu mặt hạn chế chúng ta có thể lấp liếm như: “ Lúc đi học em có đi làm thêm ở các công ty sự kiện và tham gia rất nhiều hoạt động nên không có thời gian chăm chút bản thân. Đôi khi ngoại hình không được tốt lắm, nhưng khi quyết định tìm việc em đã cố gắng chăm chút bản thân nhiều hơn…”

Hãy xem kỹ phần mô tả công việc, những yêu cầu cụ thể để biết cách ứng phó với câu hỏi này. Khi đã nắm bắt công việc mà tương lai sẽ làm bạn mới dễ dàng lèo lái những điểm yếu sao cho phù hợp. Ví dụ khi phỏng vấn vị trí sale bạn cần phải hiểu đây là công việc đòi hỏi khả năng giao tiếp tốt và cần nhất là sự mềm mỏng thì chúng ta có thể nêu các khuyết điểm như: “ Em thích giao tiếp và gặp gỡ khách hàng nhưng em chưa tiếp xúc hết các đối tượng khách hàng khác nhau. Đây là điểm hạn chế của em nên rất hi vọng được công ty tạo cơ hội…”

Biến” những điểm yếu trở thành ưu điểm

Bên cạnh sự thành thật trong lời nói bạn cần chứng minh những điểm yếu mà mình mắc phải có thể khắc phục nếu như nhà tuyển dụng tạo cơ hội. Hãy mạnh dạn trong lúc trình bày và cho họ thấy được điểm yếu của bạn không phải là vấn đề nghiêm trọng. Hãy tỏ ra mình là người muốn học hỏi và phát triển bản thân hơn là tự ti với những điểm yếu.

Chẳng hạn khi phỏng vấn ở vị trí kế toán bạn cần biết mình phải đáp ứng những yêu cầu nào và dự đoán bao nhiêu phần trăm khả năng làm được. Những điểm yếu còn lại bạn có thể trình bày rằng: “ Em biết công việc kế toán đòi hỏi phải sử dụng thành thạo phần mềm excel nên em đã học tốt phần này. Có điều những phần mềm khác em chỉ biết chút ít nên trước đó em đã tham gia khóa học để trau dồi thêm…”

Sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào mà không thích nhân viên của mình là người chịu khó và ham học hỏi. Bởi thế với ví dụ trên điểm yếu của bạn lại vô tình trở thành ưu điểm tuyệt vời. Điều cần nhất là chúng ta cho nhà tuyển dụng biết được mọi điểm yếu của mình đều có thể khắc phục theo hướng tích cực và hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến công việc được giao.

Cách trả lời ghi điểm

Sự thành thật ở bất kỳ cuộc giao tiếp nào trong cuộc sống đều giúp chúng ta nhận được sự chân quý từ những người xung quanh. Trong phỏng vấn sự thành thật đem đến cho bạn một cơ hội tốt và chúng ta cũng đừng quên chú ý đến những chi tiết nhỏ như: giọng điệu lời nói, ngôn từ, cử chỉ…

Giọng điệu lời nói có khi quan trọng hơn cả nội dung, do đó trước khi tìm việc hãy rèn luyện cho mình cách nói chuyện hay và thân thiện. Trên thực tế cùng một nội dung trình bày nhưng có người nói rất êm tai nhưng có người lại gắt gỏng khiến cho người khác hiểu lầm ý mà chúng ta muốn truyền đạt.

Quay lại với việc trình bày điểm yếu của mình trong buổi phỏng vấn, bạn có thể nở một nụ cười tươi và nhìn trực tiếp vào nhà tuyển dụng thành thật nêu lên yếu điểm của bản thân. Tránh khom lưng, cúi đầu hoặc quay đi nơi khác, không trình bày lấp lửng hay “uh,ah” vì điều này sẽ khiến bạn mất điểm ngay lập tức.

Chúng ta không thể lường trước nhà tuyển dụng sẽ hỏi những vấn đề gì nhưng dù là câu hỏi nào bạn cũng phải thật bình tĩnh và tự tin. Bởi không chỉ hỏi những câu đại loại như điểm yếu của bạn là gì… mà còn những tình huống đặt ra yêu cầu bạn phải giải quyết. Do đó, hãy tập cho mình thói quen ứng biến nhanh nhạy trong mọi hoàn cảnh.